Nghiên cứu về ung thư

Thực hư chuyện chữa được bệnh ung thư trong 4 năm nữa

Nga công bố 3 - 4 năm nữa mới ra lò thuốc chữa ung thư, đa cấp Việt Nam đã "vào cuộc"

Giáo sư Nga khẳng định chỉ sau 3-4 năm nữa, nhân loại có thể được sử dụng phát minh HSP của nước Nga có khả năng chữa được mọi loại ung thư, kể cả giai đoạn ác tính.

LTS: Tiến sĩ Trần Bắc Hải, một chuyên gia nghiên cứu về miễn dịch học, hiện đang công tác ở BV Hoàng gia Adelaide (Australia) giúp quí độc giả có cái nhìn đa chiều về thông tin “Nga thử nghiệm thành công thuốc chống mọi loại ung thư sau 3-4 năm tới”.

Ngày 3/3/2017, Viện sỹ Thông tấn Nga, Giáo sư Tiến sĩ Andrei Simbirtsev trả lời phỏng vấn của tờ Izvestia (“Tin Tức”) về kết quả thử nghiệm thành công điều trị 2 loại ung thư ác tính (melanoma và sarcoma) trên mô hình chuột, với chế phẩm protein shock nhiệt (HSP, heat shock protein, một loại protein tự nhiên trong hầu như mọi tế bào) được điều chế siêu tinh khiết trong môi trường không trọng lượng trên trạm Quốc tế Nghiên cứu Vũ trụ ISS.

Nghiên cứu được thực hiện tại Viện Các Chế phâm Siêu Tinh khiết thuộc Cơ quan Sinh Y Liên bang Nga FMBA.

GS A. Simbirtsev, đồng thời cũng là Phó giám đốc Viện Các Chế phẩm Siêu Tinh khiết, cho biết Viện của ông chưa tìm được đối tác trong nước để tiến hành bước tiếp theo là nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cho HSP, và có thể phải gõ cửa các công ty nước ngoài, chẳng hạn Nhật Bản để tìm nguồn đầu tư cho nghiên cứu này.

GS Simbirtsev cũng được phóng viên dẫn lời nói rằng sẽ cần khoảng 100 triệu rúp Nga (~1,73 triệu USD) cho nghiên cứu lâm sàng.

Ông cũng nhận định nếu được vậy, chỉ sau 3-4 năm nữa thì nhân loại có thể được sử dụng phát minh HSP của nước Nga có khả năng chữa được mọi loại ung thư, kể cả giai đoạn ác tính (1).

Nga công bố 3 - 4 năm nữa mới ra lò thuốc chữa ung thư, đa cấp Việt Nam đã vào cuộc - Ảnh 1.

Các nhà khoa học Nga đã phát triển thành công thuốc liệu pháp sốc nhiệt protein có thể chữa khỏi mọi loại ung thư (Ảnh: Izvestia).

Cũng ngay trong ngày 3/3/2017, hàng loạt báo chí và kênh truyền hình ở Việt Nam đã đưa lại tin của tờ Izvestia.

Sau đó, nhiều người bạn của tôi cũng phấn khởi chia sẻ thông tin này qua mạng xã hội. Họ còn nhấn mạnh thêm rằng đây là phát minh vĩ đại của người Nga, có thể cứu sống mọi loại bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối trong khoảng 3-4 năm nữa!

Tôi cảm thông với nỗi đau của các gia đình có người thân mắc bệnh ung thư và tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, vì chính gia đình tôi cũng mất đi một người cháu còn rất trẻ vì ung thư NSLC (Non-small cell lung cancer – tế bào phổi lớn).

Nhưng nhiều bệnh nhân và gia đình bệnh nhân ung thư có thể bị định hướng sai mà bỏ qua cơ hội điều trị bằng các phác đồ kinh điển sẵn có, hoặc đơn giản hơn là bị mất tiền bạc và thời gian quý giá còn lại của cuộc đời vào hy vọng và thất vọng nối tiếp nhau.

Tôi viết bài này, mong gợi ý cho bạn đọc một cách nhìn đa chiều hơn với vấn đề này.

Thử nghiệm lâm sàng tốn kém như thế nào?

Các nhà khoa học cũng như các thầy thuốc đều hiểu cái gì đúng cho chuột chưa chắc đã đúng cho người. Vì vậy mới cần đến các chương trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (clinical trials) trên người tình nguyện với phương pháp luận chặt chẽ, gồm 4 giai đoạn.

Nga công bố 3 - 4 năm nữa mới ra lò thuốc chữa ung thư, đa cấp Việt Nam đã vào cuộc - Ảnh 2.

– Giai đoạn I thử trên nhóm nhỏ 20-80 người tình nguyện khỏe mạnh để xem thuốc có độc tính và tác dụng phụ hay không.

– Giai đoạn II thử trên vài trăm bệnh nhân để đánh giá hiệu quả điều trị, đồng thời cũng tiếp tục tìm hiểu về độ an toàn.

– Giai đoạn III thử trên hàng trăm đến vài ngàn bệnh nhân để so sánh hiệu quả với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn, đồng thời tiếp tục theo dõi về độ an toàn.

– Sau giai đoạn này thì thuốc có thể được đưa ra thị trường, nhưng sau đó vẫn cần có giai đoạn IV để đánh giá thuốc trên một diện rộng của cộng đồng, trong một thời gian dài hơn.

Từ khi thuốc ở giai đoạn nghiên cứu tiền lâm sàng đến khi ra được thị trường, thông thường phải mất khoảng 12-18 năm và có thể tiêu tốn trên 1 tỷ USD.(2).

Vì kinh phí đầu tư rất lớn, các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cần đến đối tác là các hãng dược phẩm, người sau này sẽ hưởng lãi phần trăm từ việc sản xuất thuốc trong trường hợp thành công.

Tôi hy vọng rằng con số 100 triệu rúp Nga và 3-4 năm thử nghiệm lâm sàng là lỗi đánh máy của tòa báo Izvestia chứ không phải là do Viện sỹ Simbirtsev bị nhầm lẫn các con số.

Ai là tác giả của phương pháp HSP chống ung thư?

Nghiên cứu sử dụng các protein shock nhiệt (heat shock proteins, HSP) và phức hợp HSP-tumour peptides làm vaccine chống ung thư đã bắt đầu từ hơn 30 năm trước đây, với bài báo đăng trên tạp chí khoa học hàng đầu Proceedings of National Academy of Sciences of USA.(3).

Kể từ đó đến nay, các nhà khoa học của nhiều nước đã nghiên cứu sử dụng nhiều loại HSP khác nhau, trên nhiều loại ung thư khác nhau.

Từ 2000 đến 2014, họ đã bắt đầu các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I, II và III. (4)

Với các bạn muốn tìm hiểu chi tiết về phương pháp HSP chống ung thư, cơ chế miễn dịch học, các hạn chế và khả năng phát triển tiếp của phương pháp này…, có thể đọc thêm bài tổng quan đã dẫn ở trên.

Một trong 2 đồng tác giả bài tổng quan này, Maxim Shevtov, là một nhà khoa học Nga ở Viện Tế bào học St Petersburg, được biết đến trong giới chuyên môn như một tác giả đã công bố nhiều công trình trong lĩnh vực nghiên cứu HSP chống ung thư trên các tạp chí quốc tế có uy tín.

Nga công bố 3 - 4 năm nữa mới ra lò thuốc chữa ung thư, đa cấp Việt Nam đã vào cuộc - Ảnh 3.

Bảng 1: Các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I, II và III

Như vậy, phương pháp HSP chống ung thư không phải là một phát minh mới, và càng không phải là phát minh của riêng người Nga, mà là hàng ngàn nhà khoa học đang nỗ lực làm việc trong nhiều trung tâm khác nhau của nhiều nước khác nhau.

Điểm mới trong công trình của các nhà khoa học Nga tại Viện Các Chế phẩm Siêu Tinh khiết

Tôi chưa tìm thấy bài gốc công trình nghiên cứu về HSP của nhóm do GS Simbirtsev lãnh đạo công bố ra tiếng Anh.

Nhưng qua phần trả lời phỏng vấn báo Izvestia bằng tiếng Nga, có thể thấy điểm mới ở đây là HSP đã được được kết tinh trong môi trường không trọng lượng của Trạm Không gian ISS, nhờ đó tạo ra sản phẩm siêu tinh khiết để phân tích cấu trúc tinh thể (crystallography).

HSP của người chia thành 6 nhóm chính, trong đó HSP70 và HSP90 được nghiên cứu nhiều nhất trong điều trị ung thư.

Nhờ việc giải mã toàn bộ bản đồ gene của người, ngày nay các nhà khoa học có thể tổng hợp mọi loại HSP dưới dạng protein tái tổ hợp ở vi khuẩn với số lượng không hạn chế.

Các protein tái tổ hợp này có thể dùng cho nhiều mục đích, kể cả phân tích cấu trúc tinh thể. Từ phân tích cấu trúc tinh thể có thể giúp suy ra cách thức phân tử HSP gắn kết với peptide của tế bào ung thư và được nhận diện bởi các thụ thể của tế bào miễn dịch.

Chưa rõ HSP mà FMBA đề cập thuộc loại nào nhưng chúng ta hy vọng rằng trong thời gian gần nhất sẽ được tìm hiểu công trình nghiên cứu phân tích cấu trúc tinh thể bằng chế phẩm siêu tinh khiết đã giúp nhóm của GS Simbirtsev đưa ra những kết luận gì mới so với các công trình trước đó.

Về tác dụng của HSP chống ung thư melanoma và sarcoma trên mô hình chuột mà GS Simbirtsev nhắc đến trong bài trả lời phỏng vấn thì có lẽ không có gì mới, đã được nhiều nhóm khác công bố từ trước.

Trong bảng 1, các bạn có thể thấy người ta đã tiến xa hơn, bước sang các thử nghiệm lâm sàng để điều trị melanoma ác tính (dòng 2-4) và melanoma giai đoạn cuối (dòng 1).

Để điều trị ung thư, có cần HSP phải được sản xuất siêu tinh khiết trên trạm vũ trụ?

Ngày 5.3 vừa qua, trang mạng tiếng Anh OMG! (Oh My God! = Ối Trời!) giật tin rằng người Nga “dường như đã chế ra thuốc chữa ung thư trên trạm không gian ISS”. (5).

Khi được phóng viên đặt câu hỏi này, GS Simbirtsev đã trả lời rõ ràng rằng không nhất thiết HSP phải sản xuất trong môi trường không trọng lượng mới có tác dụng, và rằng chế phẩm HSP siêu tinh khiết tạo ra trên trạm không gian chỉ giúp nhóm nghiên cứu của ông khẳng định lại kết quả đã đạt được trên mặt đất!

Nga công bố 3 - 4 năm nữa mới ra lò thuốc chữa ung thư, đa cấp Việt Nam đã vào cuộc - Ảnh 4.

Ảnh: GS Andrei Simbirtsev. Photo courtesy OMG!news.

Rượu vang có cần pha thêm nước mắm?

Không rõ các nhà kinh doanh đa cấp của Việt Nam đã nhanh chóng vào cuộc hay chưa nhưng hôm qua, tôi nhận được email của một người bạn thông báo với hy vọng sẽ được nghe giới thiệu cả về loại thuốc mới chống ung thư này.

Việc thông tin là cần thiết, nhưng nếu một thời gian ngắn nữa, nếu ai nghe thấy bất cứ quảng cáo kiểu đa cấp nào về loại thuốc này, thì cần cẩn trọng xem xét. Bất cứ loại thuốc nào chưa xong thử nghiệm lâm sàng, đều chưa đáng để con người làm vật thí nghiệm.

Quảng cáo sản phẩm khoa học qua bán hàng đa cấp thì chẳng khác gì pha thêm nước mắm vào rượu vang, bởi vậy tôi nghĩ đã là một cơ quan khoa học như FMBA thì chắc sẽ không dại gì mà làm việc này.

Nói vậy không phải là muốn hạ thấp giá trị của nước mắm. Tôi yêu nước mắm, và yêu cả rượu vang, chỉ có điều là không bao giờ trộn hai thứ này với nhau.

Nguồn tin tham khảo:

1. http://izvestia.ru/news/668274.

2. Holland, John (2013). “Fixing a broken drug development process”. Journal of Commercial Biotechnology. 19. doi:10.5912/jcb588; Adams, C. P.; Brantner, V. V. (2006). “Estimating the Cost of New Drug Development: Is It Really $802 Million?”. Health Affairs. 25 (2): 420–8.

3. Srivastava PK, DeLeo AB, Old LJ. Tumor rejection antigens of chemically induced sarcomas of inbred mice. Proc. Natl. Acad Sci USA 1986; 83:3407-11.

4. Bảng 1, trích từ M. Shevtsov & G. Multhoff. Heat shock protein-peptide and HSP-based immunotherapies for treatment of cancer. Frontiers in Immunology 2016; 7:171.

5. https://omgnews.today/omg-russians-create-cancer-cure-aboard-iss/

Thoát khỏi ung thư

Tự chữa khỏi ung thư, rất nhiều liệu pháp, phác đồ điều trị ung thư đã được áp dụng và gần đây Cần sa y tế đã được sử dụng như một liệu pháp điều trị ung thư vô cùng hiệu quả. Mời bạn đón đọc các bài viết về cách phòng tránh ung thư, bài thuốc hay chữa ung thư và các sử dụng tinh dầu CBD trong điều trị ung thư . CBD là một chiết suất từ cây gai dầu, hoàng toàn không gây hiệu ứng tâm lý và an toàn cho người bệnh.
Back to top button