Có bệnh thì vái tứ phương nhưng chữa ung thư cần đúng phương pháp
Sai lầm trong khi chữa ung thư
Chị Phạm T. P. sinh năm 1979, đang là giáo viên cấp 3 ở Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh phải vào viện cấp cứu trong tình trạng “thân tàn, ma dại” chỉ còn da bọc xương sau mấy tháng điều trị ung thư vú bằng phương pháp thực dưỡng ngồi thiền.
Chị P. kể cách đây vài tháng chị thấy hạch ở vú và đi khám. Bác sĩ Bệnh viện K (Hà Nội) kết luận chị bị ung thư vú và khuyên nên phẫu thuật cắt bỏ khối u và điều trị hóa, xạ trị để kéo dài cuộc sống thêm khoảng 15 năm nữa, nếu hợp thuốc thì có thể sống đến 70 -80 tuổi bình thường.
Nhưng chị P. sau đó nghe lời bạn bè nói có nhiều người bị ung thư đã vào 1 cơ sở trong TPHCM chữa khỏi nên chị quyết định không phẫu thuật, không điều trị gì theo bác sĩ chỉ định.
Lúc ấy khối u còn bé xíu, chưa có biến chứng, di căn, chị P. một mình chị khăn gói vào TP.HCM tìm đến địa chỉ mà người quen nói là chữa được bệnh ung thư với niềm tin bệnh sẽ hết.
Tại đây, hằng ngày chị được người ta cho uống thuốc lá, ăn gạo lứt và đặc biệt người ta dặn chị là phải ăn thật ít để cơ thể không có dinh dưỡng nuôi khối u.
Chị P. tin vào lời người ta nói vì họ giải thích mùi mẫn quá nên chị làm theo răm rắp. Chị chỉ ăn gạo lứt, uống nước lã, tập pháp luân công. Mỗi tháng chi phí cũng lên tới 20 – 30 triệu đồng.
Một thời gian sau chị về nhà và người ta gửi thuốc từ miền nam ra cho chị. Chị vẫn làm theo dù cơ thể suy kiệt, không còn chất dinh dưỡng chị vẫn tin sẽ hết ung thư.
Cách đây 2 tháng, chị đã bị đau đớn, gầy gò nhưng chị P. kiên quyết không đi viện. Người nhà khuyên thế nào chị cũng kiên quyết không nghe.
Chỉ đến khi, cơn đau không chịu nổi kèm theo khó thở vì ung thư đã di căn vào phổi, xương, người nhà mới ép chị đến bệnh viện tỉnh điều trị giảm đau và sau đó chuyển ra Bệnh viện K Hà Nội.
Những ngày nằm ở bệnh viện K, ánh mắt chị tuyệt vọng, chị cầu xin bác sĩ hãy cứu chị thì bác sĩ cũng chỉ thở dài bởi vì bệnh đã quá nặng, khối u đã quá lớn. Nhìn tấm phim chụp của chị cách đây vài tháng khối u có 2 – 3 cm bác sĩ xót xa và tiếc cho chị vì đã không phẫu thuật.
Nhịn ăn sẽ chết trước bệnh ung thư
Nói về nhịn ăn trong điều trị ung thư, PGS Hoàng Công Đắc – Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho biết ông đã gặp rất nhiều bệnh nhân ung thư đã chết trước ung thư bởi suy kiệt do nhịn ăn để chữa bệnh.
PGS Đắc cho biết ngay cả người nhà của ông ở bên Mỹ, bị ung thư dạ dày và không mổ vì nghĩ rằng ung thư động dao kéo là sẽ di căn.
Người nhà tại Việt Nam cũng tìm mọi cách gửi cả tạ lá đu đủ khô sang để uống và cuối cùng chết vì bệnh di căn xa. Trong khi đó, nếu bệnh nhân chấp nhận điều trị bằng các phương pháp phẫu thuật, hóa, xạ trị thì có thể kéo dài thêm cuộc sống của mình.
Với các bài thuốc lá đu đủ, thuốc nam, bài tập thể dục trị ung thư, PGS Đắc cho biết nó chỉ là biện pháp tâm lý.
PGS Hoàng Công Đắc – Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC (Ảnh: soha.vn)
PGS Đắc cho rằng với bệnh ung thư nào thì việc điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ cũng rất quan trọng.
Song song với đó, bệnh nhân có thể thực hiện phương pháp tâm lý bằng cách ngồi thiền, tập pháp luân công hay bất cứ biện pháp nào nhằm thoải mái về mặt tâm lý bởi vì trong điều trị ung thư tâm lý cũng chiếm tới 50 % khả năng khỏi bệnh.
Còn bệnh nhân chỉ có niềm tin mù quáng như trường hợp của chị P. nêu trên quả là đáng tiếc. Vì ung thư vú vẫn là ung thư có tiên lượng tốt nhất, người bệnh chỉ cần cắt bỏ khối u là có thể sống thêm 10-15 năm.
PGS Đắc cho rằng trong quá trình điều trị, bệnh nhân ung thư cũng không cần phải ăn uống kiêng khem bởi vì lúc đó cơ thể cần nhiều chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng, tăng cường tế bào lành để chống lại các tế bào ác tính.
Thực phẩm chỉ cần chọn loại an toàn, không tồn dư thuốc trừ sâu, hóa chất là được. Còn nếu bệnh nhân ăn kiêng khem cơ thể không đủ chất sẽ dẫn đến suy kiệt, tế bào ác tính xâm lấn rộng hơn, di căn nhanh hơn.
Chính vì thế, PGS Đắc nhấn mạnh, khi phát hiện ung thư tốt nhất nên đón nhận nó mà coi nó như một loại bệnh cần được điều trị và được chăm sóc thay vì sợ phẫu thuật, sợ hóa, xạ trị rồi chỉ ăn kiêng, thực dưỡng.