Nhiều người còn hiểu sai về bệnh ung thư
Theo kết quả thống kê được công bố mới đây, Việt Nam có số ca mắc ung thư tăng nhanh từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 năm 2010 và dự kiến sẽ vượt con số 190.000 vào 2020. Đặc biệt, Việt Nam được xếp vào những nước có tỉ lệ mắc ung thư cao top 2 trên thế giới. Điều đáng ngại là số ca mắc gia tăng nhưng phần lớn được phát hiện ở giai đoạn muộn nên khiến chi phí cao, hiệu quả điều trị thấp. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp 50 nước đứng đầu về tỷ lệ mắc và tử vong vì bệnh ung thư vào “top 1”; 50 nước đứng sau được tính vào nhóm “top 2”. Với số ca mắc như trên, Việt Nam đứng thứ 78/172 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc “top 2”. Tỷ lệ tử vong vì ung thư tại nước ta ước tính là 110 ca/100.000 người. Trong đó, ung thư phổi với nam giới và ung thư vú với nữ giới là loại ung thư phổ biến nhất, sau đó là ung thư dạ dày. Việc phát hiện bệnh khi ở giai đoạn muộn là trở ngại đối với việc điều trị. Bên cạnh đó, nhận thức của cộng đồng về bệnh cũng như việc tuân thủ điều trị còn hạn chế. Điều đó dẫn đến người bệnh có những quyết định điều trị không đúng, khiến bệnh nặng hơn, thậm chí đang từ chỗ có nhiều khả năng tiến triển trở thành vô phương cứu chữa. Ung thư phát hiện sớm vẫn có thể chữa khỏi. Ảnh minh họa Cụ thể, qua điều tra cộng đồng tại 12 tỉnh, thành với hơn 12.000 người cho thấy tỷ lệ người dân có hiểu biết cơ bản đúng về bệnh ung thư còn rất thấp, khoảng 35%. Có hơn 67% số người được hỏi cho rằng ung thư là bệnh nan y, việc phát hiện sớm hay muộn cũng như nhau, kết cục vẫn là chết; gần 36% cho rằng bị ung thư nếu đụng dao kéo vào sẽ di căn sớm và chóng chết. Tuy nhiên, theo PGS Trần Văn Thuấn, GĐ Bệnh viện K, phần lớn ung thư đều có thể chữa khỏi khi phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Với ung thư phổi, phòng bệnh phải là số một vì có phát hiện sớm cũng điều trị kém hiệu quả hơn so với các loại ung thư khác. Hiện tỷ lệ chữa khỏi ung thư (sống trên 5 năm) ở nam giới đạt 33%, ở nữ khoảng 40% do có tới 70% bệnh nhân ung thư trong nước đều phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Ở nhiều nước phát triển tỉ lệ này lên tới 70-80%. Cùng với việc phát hiện muộn thì nhiều người khi phát hiện đã từ chối điều trị bằng phẫu thuật hay xạ trị mà tìm đến những bài thuốc gia truyền của các “lang vườn”. Điều này khiến quá trình điều trị bị gián đoạn, làm bệnh nặng hơn và nhiều trường hợp trở thành “hết thuốc chữa”. Như trường hợp cháu bé bị u nguyên bào thần kinh (u 8 cm) được các bác sỹ tại bệnh viện K đưa ra phác đồ điều trị bằng hóa trị. Lúc đó các bác sỹ tiên lượng tình trạng cháu bé nếu được truyền hóa chất u có thể tan, cơ hội sống sẽ cao hơn. Thế nhưng gia đình cháu bé đã quyết định đưa cháu về chữa thuốc Nam. Sau đó 2 tháng, gia đình lại đưa cháu bé đến bệnh viện K khám trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, chỉ còn da bọc xương, thở khó. Lúc này, khối u của cháu đã phình to chiếm hết ổ bụng, vượt quá đầu dò siêu âm, không đo được kích thước, tiên lượng tử vong được tính bằng tuần. Việc phát hiện muộn, điều trị sai cách đã khiến người bệnh mất quá nhiều chi phí cho việc chữa bệnh, từ đó rơi vào nghèo đói, kiệt quệ. Các nghiên cứu tài chính trong điều trị ung thư ở Việt Nam gần đây cho thấy, những gia đình có người bệnh ung thư phải gánh chịu hệ lụy tài chính nặng nề từ việc điều trị ung thư. Khoảng 1/3 người bệnh ung thư ở nước ta không đủ tiền mua thuốc điều trị sau 12 tháng phát hiện bệnh; 22% không thể thanh toán chi phí đi lại; 24,37% gia đình rơi vào cảnh khánh kiệt, phải vay mượn; thậm chí gần 9% gia đình phải bán đất đai, chuyển nhà. Qua số liệu công bố của dự án Phòng chống ung thư thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia do bệnh viện K điều phối, tại Việt Nam năm 2012 tổng gánh nặng kinh tế của 6 bệnh ung thư (vú, cổ tử cung, gan, đại tràng, khoang miệng và dạ dày)-chi phí trực tiếp và gián tiếp đã lên tới gần 26.000 tỷ đồng, chiếm 0,22% GDP của Việt Nam. Qua mẫu điều tra cho thấy, trung bình một người gánh chịu tổng chi phí trực tiếp lên đến hơn 176 triệu đồng và chi phí gián tiếp lên đến gần 24 triệu đồng. Sau khi trừ đi các chi phí từ Chính phủ, bảo hiểm y tế… thì mỗi hộ gia đình phải bỏ ra hơn 84 triệu đồng. Phát hiện bệnh sớm, dự phòng bệnh tốt là những yếu tố quan trọng để giảm chi phí điều trị cũng như loại bỏ khả năng mắc bệnh trong cộng đồng. Các bác sỹ khuyến cáo để phòng bệnh ung thư người dân không hút thuốc lá, thuốc lào (chứa trên 40 chất gây ung thư); không ăn thực phẩm bị nhiễm mốc, hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản, tăng trọng (ước tính gây ra đến 35% các loại ung thư); hạn chế số bạn tình, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục vì qua con đường này dễ mắc bệnh HIV hoặc HPV-virus gây u ở người. HPV có liên quan với ung thư cổ tử cung, làm tăng nguy cơ ung thư hậu môn, dương vật, cổ họng, âm hộ và âm đạo. Nên khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm nhằm phát hiện sớm nhiều bệnh, trong đó có ung thư.
————