Cha đẻ PP ghép tế bào gốc từ dây rốn nói về việc chữa ung thư
PGS-TS Phan Toàn Thắng – Cha đẻ của phương pháp ghép tế bào gốc từ dây rốn
PGS.TS Phan Toàn Thắng hiện là phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore. Là một người say mê với khoa học, PGS.TS Thắng đã phát hiện ra phương pháp ghép tế bào gốc từ dây rốn để chữa lành các vết thương do bỏng, tiểu đường, ghép giác mạc, chống lão hóa và thậm chí cả bệnh ung thư.
Theo TS Thắng, tất cả chúng ta đều được sinh ra từ một tế bào gốc có tên gọi là tế bào gốc phôi. Nhóm tế bào gốc được tạo ra khi tinh trùng thụ tinh với trứng khi nằm ở trong tử cung của mẹ. Tại đây, chúng được phân chia, tăng về số lượng, biệt hóa tạo thành các mô tạng khác nhau, từ đó hình thành một cơ thể hoàn chỉnh là con người chúng ta, có đầy đủ mắt mũi, miệng, tay chân, nội tạng…
PGS.TS Thắng đã phát hiện ra phương pháp ghép tế bào gốc từ dây rốn. (Ảnh: The Straits Times) |
Cơ thể chúng ta được tạo bởi hơn 60 ngàn tỷ tế bào. Nếu các tế bào này trẻ khỏe thì cũng đồng nghĩa với việc chúng ta trẻ khỏe và ngược lại, tế bào già cỗi, có vấn đề thì cơ thể sẽ mang bệnh. Khi tế bào này chết quá nhiều đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ bị bệnh nặng và tử vong. Vì vậy, lão hóa là do suy tế bào gốc.
Có thể nói, dây rốn là món quà của Mẹ Tạo Hoá tặng cho sinh thể trên địa cầu này. Ngày nay, dây rốn không còn là rác y học tầm thường mà được xem như là nguồn “dược liệu sinh học quí, nhưng dễ kiếm” chứa hầu hết các thành phần tế bào cơ bản xây dựng cơ thể chúng ta. Đó là tế bào gốc tạo máu nằm trong máu dây rốn giúp cho tái tạo máu và mô tạng long. Tế bào gốc biểu mô và trung mô nằm trong màng mô dây rốn giúp cho tái tạo mô tạng đặc như da, xương sụn, gan, tim…. Ngoài ra còn dây rốn còn chứa tế bào nội mạch máu nằm trong mạch máu dây rốn.
Ứng dụng chữa ung thư bằng phương pháp ghép tế bào gốc từ dây rốn
Theo PGS.TS Phan Toàn Thắng, tế bào gốc tạo máu dây rốn hiện là nguồn tế bào gốc dùng cho điều trị ung thư, đặc biệt là các bệnh máu ác tính, đạt được kết quả điều trị thành công cao giảm các biến chứng tại Mỹ, các quốc gia công nghiệp phát triển tại Bắc Mỹ, EU và Châu Á có nền y học tiên tiến.
“Các tế bào gốc trung mô chưa được ứng dụng trong điều trị ung thư, nhưng được ứng dụng cùng cấy nghép với các tế bào gốc tạo máu để tăng khả năng ghép thành công và giảm biến chứng thải nghép. Ngoài ra, tế bào gốc trung mô còn được dùng điều trị biến chứng và di chứng sau điều trị ung thư, ví dụ như dùng để tái tạo lại khuyết hổng lớn mất da hay đoạn xương bị loại bỏ trong phẫu thuật loại bỏ khối u tại các mô tạng này”, BS Thắng nói.
Vị phó giáo sư này cho biết thêm, hướng nghiên cứu mới và mang tính đột phá là sử dụng tế bào gốc trung mô như “bom thông minh” để tấn công chính xác, tiêu diệt mạnh các khối ung thư.
Tế bào gốc tạo máu dây rốn hiện là nguồn tế bào gốc dùng cho điều trị ung thư, đặc biệt là các bệnh máu ác tính. (Ảnh minh họa: Internet) |
“Tuy nhiên phương pháp này còn đang trong giai đoạn sớm của quá trình nghiên cứu tiền lâm sàng. Hi vọng trong 1-2 thập kỷ nữa, phương pháp này sẽ thành hiện thực”, BS Thắng cho hay.
Theo ông, khó khăn lớn nhất trong ghép tế bào gốc từ dây rốn chữa ung thư vẫn luôn là vấn đề “tiền” và “thời gian”.
“Chi phí cho nghiên cứu tiền lâm sàng và lâm sàng rất tốn kém và kéo dài nhiều năm để chứng minh an toàn và hiệu quả. Sau khi phương pháp điều trị được chấp nhận và cấp phép của các cơ quan quản lý, việc triển khai điều trị cho bệnh nhân cũng là chuyện không dễ do chi phí điều trị khá cao. Điều này đặc biệt khó cho các bệnh nhân ở các quốc gia có thu nhập thấp như Việt Nam”, TS Thắng khẳng định.
Nghiên cứu y khoa nói chung và tế bào gốc nói riêng là môn chơi xa xỉ, chỉ có các quốc gia giàu mạnh mới đủ sức theo. “Tại Singapore, một dự án nghiên cứu tế bào gốc màng dây rốn ở giai đoạn tiền lâm sàng của chúng tôi cũng chi phí lên tới 1,000,000 USD cho 3 năm. Còn triển khai nghiên cứu lâm sàng tại Mỹ thì cần 60,000,000 – 100,000,000 USD để đạt tới mốc giai đoạn 2 thử nghiệm lâm sàng theo tiêu chuẩn của FDA Hoa Kỳ. Việt Nam nên bám sát theo các thành tựu y học tế bào gốc của quốc tế, cố gắng triển khai hiệu quả và trong mức độ cho phép giảm giá thành điều trị cho bệnh nhân”, PGS.TS Phan Toàn Thắng nói.