Thuốc chữa ung thư

Vai trò của aspirin đối với sức khoẻ và giảm nguy cơ ung thư

Dựa theo những ghi chép trên tài liệu y khoa bằng giấy cói, từ 3.000-1.500 năm trước công nguyên, người Ai Cập cổ đại đã biết sử dụng cây liễu như một liều thuốc giảm viêm và đau (1). Đến khoảng năm 400 trước công nguyên, Hippocrates đã dùng lá liễu để giảm đau cho phụ nữ lúc sinh nở.

câu liễu

Song mãi đến năm 1828 sau công nguyên, GS Joseph Buchner ngành Dược trường ĐH Munich ở Đức mới chiết xuất thành công hoạt chất aspirin từ cây liễu (1). Năm 1853, nhà hoá học người Pháp Charles Frédéric Gerhardt đã xác định cấu trúc phân tử và tổng hợp thành công aspirin. Từ đó đến nay, aspirin đã trở thành một trong những thuốc được sử dụng rộng rãi nhất trên thị trường và được nghiên cứu nhiều nhất với khoảng 700-1.000 thử nghiệm lâm sàng diễn ra mỗi năm.

Aspirin có tác dụng giảm đau, hạ sốt và chống kết tập tiểu cầu. Ngoài ra, theo Viện Ung Thư Quốc Gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute, NCI), sử dụng aspirin liều thấp (81mg) một thời gian dài còn có thêm tác dụng giảm nguy cơ phát triển ung thư và giảm tỷ lệ tử vong của một số bệnh ung thư (2). Hãy cùng Ruy Băng Tím tìm hiểu thêm về aspirin.

Mời xem thêm6 điều cần nhớ để giảm nguy cơ ung thư cho bản thân và gia đình

I. Aspirin là gì? (3)

Aspirin còn có tên khoa học khác là acetylsalicyclic acid có công thức C9H8O4 và cấu trúc phân tử được minh hoạ trong hình sau.

aspirin molecule

Aspirin là một dẫn xuất của acid salicylic, thuộc nhóm thuốc chống viêm không steroid (với tên tiếng Anh non-steroidal anti-inflammatory drug, viết tắt NSAID).

Cơ chế hoạt động chính của aspirin bao gồm ức chế chất xúc tác cyclooxygenase-1 và 2 (COX-1 và 2), thông qua đó hạn chế sự sản xuất

  • Prostaglandins (PG): các acid béo không bão hoà ở các mô, đóng vai trò như một chất trung gian hoá học của quá trình viêm, gây sốt và nhận cảm đau.
  • Thromboxane (TX): hormone được sản xuất từ tiểu cầu để thúc đẩy sự kết tập tiểu cầu và co thắt động mạch.

 

II. Những lợi ích sức khoẻ của aspirin (4)

  1. Chống viêm

Aspirin có tác dụng lên hầu hết các loại viêm với bất kỳ nguyên nhân nào, đặc biệt với viêm cấp tính. Tác dụng này được thấy rõ ràng nhất với liều cao (2.1-7.3gram/ngày được chia nhỏ thành nhiều liều dành cho người lớn bị viêm khớp, thấp khớp).

2. Hạ sốt

Sốt là một phản ứng sinh lý thường là khi cơ thể bị nhiễm trùng. Triệu chứng là nhiệt độ cơ thể tăng lên do lượng PG tăng cao, kích thích hoạt động tế bào thần kinh chịu trách nhiệm điều khiển thân nhiệt ở vùng đồi dưới của não bộ. Tuy aspirin không tác động lên nguyên nhân gây sốt nhưng làm giảm PG giúp hạn chế được triệu chứng. Liều thông thường: 325-650mg mỗi 4-6 tiếng, không quá 10 ngày.

3. Giảm đau

Vì cơ chế ức chế tổng hợp PG, aspirin giảm được mức độ cảm thụ của các đầu dây thần kinh cảm giác với các kích thích gây đau. Aspirin được dùng cho những cơn đau nông nhẹ đến trung bình như đau đầu, đau cơ, đau răng, hay đau khớp, đặc biệt đối với đau do viêm. Liều thông thường: 325-650mg mỗi 4-6 tiếng, không quá 10 ngày.

4. Chống kết tập tiểu cầu

Tiểu cầu trong thành mạch bình thường không bị đông vón, nhưng khi nội mạc mạch bị tổn thương, tiểu cầu tiếp xúc với nội mạc này sẽ giải phóng ra TX cùng các giả túc khiến các tiểu cầu dính lại với nhau, làm cho máu đông lại. Aspirin liều thấp 81-325mg ức chế COX của tiểu cầu làm giảm tổng hợp TX nên có tác dụng chống kết tập tiểu cầu và chống đông máu. Vì khả năng này, nên aspirin được sử dụng để điều trị hội chứng mạch vành cấp, đột quỵ thiếu máu cục bộ, bệnh động mạch vành, rung tâm nhĩ, nhồi máu cơ tim cấp… và phòng ngừa những bệnh tim mạch và giảm nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim hay đau thắt ngực tái phát.

 

III. Một số tác dụng phụ của aspirin (4)

Bên cạnh những lợi ích cho sức khoẻ, aspirin cũng có nhiều tác dụng phụ, nên lợi ích và tác hại cần được cân nhắc trước khi uống aspirin. Tốt nhất là làm theo lời khuyên của bác sĩ, dược sĩ hay chuyên gia sức khoẻ hiểu rõ bệnh tình của bạn.

  1. Tăng nguy cơ chảy máu đường ruột. Vì vậy những ai có tiền sử loét dạ dày, nên uống thuốc lúc ăn no.
  2. Gây rối loạn chức năng tiểu cầu thận, tăng nguy cơ suy thận cấp.
  3. Tăng nguy cơ xuất huyết dưới da.

 

IV. Giả thuyết về khả năng phòng chống ung thư của aspirin (2)

COX-1 và 2 là thành phần thiết yếu của phản ứng viêm của cơ thể. Quá trình viêm kéo dài có thể thúc đẩy nhiều thay đổi trong tế bào có nguy cơ biến chúng phát triển không kiểm soát được và trở thành ác tính. Điều này đúng đặc biệt với ung thư đại trực tràng và đã được xác nhận bằng chứng cứ khoa học. Như đã đề cập ở phần I, cơ chế hoạt động chính của aspirin là ức chế COX-1 và 2, nên khả năng phòng chống ung thư của aspirin rất khả quan.

 

V. Nghiên cứu thực tế về mối liên hệ giữa aspirin và nguy cơ ung thư

Một thử nghiệm lâm sàng mang tên CAPP2 quy tụ 861 người mắc phải hội chứng Lynch (nguy cơ ung thư cao do liên quan đến gien di truyền) được phân ngẫu nhiên vào nhóm aspirin 600mg mỗi ngày suốt 25 tháng hoặc nhóm giả dược (5). Kết quả cho ra nhóm aspirin có nguy cơ ung thư đại trực tràng giảm 63% so với nhóm giả dược sau gần 5 năm theo dõi.

Mời xem thêm: Bạn sẽ làm gì khi biết mình mang đột biến có khả năng cao sẽ bị ung thư vú và buồng trứng?

Bên cạnh đó, 2 nghiên cứu lớn và kéo dài khác là Nghiên Cứu Y Tế Của Y Tá (từ năm 1980-2010) và Theo Dõi Của Chuyên Gia Sức Khoẻ (1986-2012) bởi BS GS Chan cùng đồng nghiệp tại ĐH Harvard đã tìm hiểu về việc sử dụng aspirin lâu dài và tỷ lệ ung thư trên hơn 88.000 phụ nữ và gần 48.000 nam giới (6). So sánh với người không uống aspirin, nhóm uống aspirin suốt 6 năm giảm 15% nguy cơ ung thư đường ruột, chủ yếu là ung thư đại trực tràng (19%).

Một nghiên cứu tổng hợp meta-analysis bao gồm 8 thử nghiệm lâm sàng quy tụ hơn 25.000 bệnh nhân (7). Kết quả cho thấy nguy cơ tử vong vì ung thư trong vòng 20 năm tới giảm đến 20% ở nhóm bệnh nhân uống aspirin mỗi ngày suốt 4 năm so với những người không uống aspirin. Aspirin giúp giảm tỷ lệ tử vong do nhiều bệnh ung thư thường thấy: thực quản, tuyến tuỵ, não, và phổi, đặc biệt giảm nhiều hơn đối với ung thư (dạ dày) bao tử, trực tràng và tuyến tiền liệt. Lợi ích của aspirin càng gia tăng khi thời gian uống kéo dài và rất nhất quán trong các nhóm bệnh nhân khác nhau.

Nhiều nghiên cứu quan sát khác cũng cho ra kết quả khả quan về khả năng phòng chống ung thư của aspirin: ung thư da (8), ung thư buồng trứng (9), ung thư vú với tỷ lệ tử vong vì bệnh giảm đến 71% (10), ung thư tuyến tiền liệt (11).

 

VI. Lời khuyên của các chuyên gia về việc sử dụng aspirin (12)

1. Dành cho bạn đọc phổ thông:

Cơ Quan Dịch Vụ Dự Phòng Hoa Kỳ (U.S. Preventive Services Task Force hay viết tắt USPSTF) là nhóm chuyên gia có tầm ảnh hưởng trong nghiên cứu về phòng chống dịch bệnh khuyến cáo việc bắt đầu sử dụng aspirin liều thấp (81mg mỗi ngày) để phòng ngừa bệnh tim mạch và ung thư đại trực tràng cho

  • Người lớn tuổi từ 50-69 có nguy cơ mắc bệnh tim mạch, với điều kiện có nguy cơ xuất huyết thấp, và phải được xem xét lợi/hại của aspirin bởi chuyên gia sức khoẻ.
  • Việc sử dụng aspirin ở những người <50 hoặc từ 70 tuổi trở lên thì USPSTF vẫn chưa tìm đủ chứng cứ thuyết phục để đưa ra khuyến cáo, nên mỗi trường hợp cần được tư vấn bởi chuyên gia sức khoẻ.
  • Tuyệt đối không dùng aspirin cho trẻ em <12 tuổi mọi hoàn cảnh hoặc <18 tuổi đang mắc phải hay đang phục hồi từ bệnh thuỷ đậu hay cảm cúm vì aspirin có liên quan đến hội chứng Reye ở lứa tuổi này (hội chứng Reye rất hiếm nhưng cũng rất nghiêm trọng gây ra phù não và  suy gan) (4).

Vậy bạn cần phải làm gì? Hãy liên hệ với chuyên gia sức khoẻ để xem xét tình trạng bệnh lý của bạn, toàn bộ những thuốc bạn đang uống, suy xét nguy cơ mắc bệnh tim mạch nếu bạn chưa mắc phải để đưa ra quyết định hợp lý nhất.

 

2. Dành cho chuyên gia sức khoẻ: (được dịch từ USPSTF)

USPSTF

*Phần trăm % nguy cơ mắc bệnh tim mạch được tính ở trang web http://www.cvriskcalculator.com/, nhập tuổi (age), giới tính (gender), chủng tộc (race), tổng cholesterol (total cholesterol), lipoprotein tỷ trọng cao (HDL), huyết áp tâm thu (systolic blood pressure), huyết áp tâm thấp (diastolic blood pressure), bệnh nhân có đang được điều trị bệnh cao huyết áp/tiểu đường hay có hút thuốc không.

Lưu ý: Bài viết này chỉ có mục đích tham khảo, hoàn toàn không nhằm mục đích chữa trị bất cứ bệnh tật nào. Xin vui lòng trao đổi trực tiếp với bác sĩ hay điều trị viên có kiến thức và hiểu rõ bệnh tình của bạn để được tư vấn thêm.

 

Chịu trách nhiệm nội dung: Tee Nguyễn

Góp ý nội dung: T.S. Nguyễn Hồng Vũ (Viện Nghiên Cứu Ung Thư Quốc Gia, City of Hope, California, USA), Th. S. Trần Thị Hồng Loan (Trường Y Kaohsinug, Đài Loan).

 

Nguồn tham khảo

  1. “A history of aspirin.” The Pharmaceutical Journal: A Royal Pharmaceutical Society publication. Web, October 22, 2017. <http://www.pharmaceutical-journal.com/news-and-analysis/infographics/a-history-of-aspirin/20066661.article>
  2. “Aspirin to reduce cancer risk.” National Cancer Institute (2017). Web, October 22, 2017. <https://www.cancer.gov/about-cancer/causes-prevention/research/aspirin-cancer-risk>
  3. “Aspirin.” Pubchem: Open Chemistry Database (2016). Web, October 22, 2017. <https://pubchem.ncbi.nlm.nih.gov/compound/aspirin#section=Top>
  4. “Aspirin: Drug Information.” UpToDate. Topic 8907 Version 210.0. Web, October 22, 2017. <http://www.uptodate.com/contents/search?search=Aspirin>
  5. Burn J, Gerdes AM, Macrae F, Mecklin JP, Moeslein G, Olschwang S, Eccles D, Evans DG, Maher E, Bertario L, Bisgaard ML, Dunlop MG, Ho JWC, Hodgson S, Lindblom A, Lubinski J, Morrison P, Murday V, Ramesar R, Side L, Scott RJ, Thomas HJW, Vasen HF, Barker G, Crawford G, Elliott F, Movahedi M, Pylvanainen K, Wijnen JT, Fodde R, Lynch HT, Mathers JC, Bishop DT. “Long-term effect of aspirin on cancer risk in carriers of hereditary colorectal cancer: an analysis from the CAPP2 randomised controlled trial.” Lancet 378.9809 (2011). Web, October 22, 2017. <https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3243929/>
  6. Cao Y, Nishihara R, Wu K, Wang M, Ogino S, Willett W, Spiegelman D, Fuchs C, Giovannucci EL, Chan AT. “The population impact of long-term use of aspirin and risk of cancer.” JAMA Oncol 2.6 (2016). Web, October 22, 2017.  <https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4900902/>
  7. Rothwell PM, Fowkes GR, Belch JFF, Ogawa H, Warlow C, Meade TW. “Effect of daily aspirin on long-term risk of death due to cancer: analysis of individual patient data from randomised trials.” The Lancet 377.9759 (2011). Web, October 22, 2017. <http://www.thelancet.com/journals/lancet/article/PIIS0140-6736(10)62110-1/abstract>
  8. Gamba CA, Swetter SM, Stefanick ML, Kubo J, Desai M, Spaunhurst KM, Sinha AA, Asgari MM, Sturgeon S, Tang JY. “Aspirin is associated with lower melanoma risk among postmenopausal Caucasian women: the Women’s Health Initiative.” Cancer 119.8 (2013). Web, October 22, 2017. <https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3880825/>
  9. Trabert B1, Ness RBLo-Ciganic WHMurphy MAGoode ELPoole EMBrinton LAWebb PMNagle CMJordan SJAustralian Ovarian Cancer Study Group, Australian Cancer Study (Ovarian Cancer)Risch HARossing MADoherty JAGoodman MTLurie GKjær SKHogdall EJensen ACramer DWTerry KLVitonis ABandera EVOlson SKing MGChandran UAnton-Culver HZiogas AMenon UGayther SARamus SJGentry-Maharaj AWu AHPearce CLPike MCBerchuck ASchildkraut JMWentzensen N. “Aspirin, nonaspirin nonsteroidal anti-inflammatory drug, and acetaminophen use and risk of invasive epithelial ovarian cancer: a pooled analysis in the Ovarian Cancer Association Consortium.” J Natl Cancer Inst 106.2 (2014). Web, October 22, 2017. Web, October 22, 2017. <https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/24503200>
  10. Holmes MD, Chen WY, Li L, Hertzmark E, Spiegelman D, Hankinson SE. “Aspirin intake and survival after breast cancer.” J Clin Oncol 28.9 (2010). Web, October 22, 2017. Web, October 22, 2017. <https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/20159825>
  11. Risch HA, Lu L, Streicher SA, Wang J, Zhang W, Ni Q, Kidd MS, Yu H, Gao YT. “Aspirin use and reduced risk of pancreatic cancer.” Cancer Epidemiol Biomarkers Prev 26.1 (2017). Web, October 22, 2017. <https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/27999143>
  12. “Aspirin use to prevent cardiovascular disease and colorectal cancer: preventive medication.” U.S. Preventive Services Task Force (2016). Web, October 22, 2017.  <https://www.uspreventiveservicestaskforce.org/Page/Document/UpdateSummaryFinal/aspirin-to-prevent-cardiovascular-disease-and-cancer>

Thoát khỏi ung thư

Tự chữa khỏi ung thư, rất nhiều liệu pháp, phác đồ điều trị ung thư đã được áp dụng và gần đây Cần sa y tế đã được sử dụng như một liệu pháp điều trị ung thư vô cùng hiệu quả. Mời bạn đón đọc các bài viết về cách phòng tránh ung thư, bài thuốc hay chữa ung thư và các sử dụng tinh dầu CBD trong điều trị ung thư . CBD là một chiết suất từ cây gai dầu, hoàng toàn không gây hiệu ứng tâm lý và an toàn cho người bệnh.
Back to top button